Đi khỏi phòng công chứng, cầm 7 tỷ trong tay với khoản lời lên đến 6,4 tỷ đồng, anh Hiệu vẫn còn chưa tin được số tiền lãi khổng lồ sau 2 năm mua miếng đất 1.000m2 tại Thanh Hóa.
Anh Hiệu vốn sinh ra tại xã Hoàng Quý, huyện Hoằng Hóa. Như bao người tuổi đầu 8x, anh ra Hà Nội học tập rồi đi làm có gia đình. Vốn là nhân viên công sở nên số tiền vợ chồng anh dành dụm cũng không quá nhiều sau khi đã mua được một căn nhà nhỏ đủ cho cả gia đình 4 người sống giữa thủ đô.
Cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua từng ngày và anh không bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà đầu tư bất động sản đến khi anh tình cơ mua lô đất 1.000m2 tại quê hương.
"Đầu năm 2019, dư được một khoản kha khá, tình cờ về quê anh thấy họ hàng có mảnh đất 1.000m2 muốn bán với giá khá rẻ chỉ 600 nghìn đồng/m2. Cả khu đất 1.000m2 ven làng chỉ 600 triệu đồng. Tôi cọc và mua luôn với ý định sau này cần tiền thì bán, không cũng có mảnh đất ở quê về già cất căn nhà để ở", anh Hiệu kể lại.
Bẵng đi 1 năm sau, cơn sốt đất Thanh Hóa rầm rộ đến, giá đất tăng theo từng ngày. Hồi giữa năm 2020, mảnh đất anh bất ngờ được nhiều môi giới trả giá đến 2 triệu đồng/m2, lãi gấp hơn 3 lần nhưng anh Hiệu không bán. "Mình mua được giá tốt, cũng không cần tiền nên nghĩ giá đất đang tăng thì đợi thêm một thời gian nữa", anh Hiệu cho biết.
Cuối năm 2020, anh Hiệu như "trúng số" khi được người nhà ở quê báo ra Công ty WHAID (Thái Lan) có ý định đầu tư xây dựng khu công nghiệp Phú Quý có diện tích 733ha nằm tại 7 xã của huyện Hoằng Hóa. Theo như thông tin sơ bộ, khu đất của anh sẽ nằm ngay sát dự án khu công nghiệp sắp được xây dựng.
"Kể từ cuối năm 2020, sau thông tin ông lớn Thái Lan về đầu tư, giá đất tại nhiều xã huyện Hoằng Hóa tăng mạnh, nhất là những khu đất đẹp sát khu công nghiệp. Đặc biệt, 9/2021 thông tin UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Phú Quý càng khiến giá tăng chóng mặt", anh Hiệu kể.
Từ giá ban đầu 600 nghìn đồng/m2, hiện nay khu đất của anh Hiệu đã có giá 7 triệu đồng/m2, tăng gấp 12 lần. "Có trong mơ tôi cũng không nghĩ giá đất tăng còn hơn trúng số độc đắc", anh Hiệu kể lại.
"Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng gợi ý với tôi giá tăng thế cũng đã quá cao và đến ngưỡng rồi vì đã "ăn" đủ 2 sóng: Sóng tăng giá đất nền chung của Thanh Hóa và sóng khu công nghiệp. Nếu muốn chốt lời đây là thời điểm tốt nhất nên bán ra, rút tiền mua nhiều chỗ tiềm năng hơn", anh Hiệu chia sẻ.
Hồi đầu tháng 10, anh Hiệu đã chính thức chuyển nhượng lại lô đất với giá tròn 7 tỷ đồng sau hơn 2 năm mua vào. Anh thu hời 6,4 tỷ đồng từ 600 triệu ban đầu, tỷ suất lợi nhuận lên đến 1.200%. Đây là tỷ suất lợi nhuận trong mơ của dân đầu tư bất động sản.
"Từ kinh nghiệm mua lô đất đầu tiên anh Hiệu cho biết sẽ tiếp tục dành một phần tiền đầu tư thêm nhà đất. Nhưng mình chỉ mua vào ở những khu vực đất còn rẻ, có tính sử dụng. Thanh Hóa đang phát triển mạnh cả về du lịch lẫn công nghiệp, còn rất nhiều khu vực nhà đầu tư vẫn có thể lãi lớn khi xác định đầu tư lâu dài", anh Hiệu cho biết.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư này, hiện anh cũng đã nhắm được một số lô đất dịch vụ tại Hải Tiến, khu vực đang có sự bứt phá mạnh mẽ về du lịch tại Thanh Hóa nhưng giá còn rẻ hơn nhiều so với Sầm Sơn. Anh Hiệu chia sẻ, chiến lược của anh đầu tư chắc chắn, dài hạn và mua đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng.